[Sách] Mặt lợi của góc tối – Todd B. Kashdan & Robert Biswas-Diener

24 Tháng mười một, 2023
Mặt lợi của góc tối, Todd B. Kashdan & Robert Biswas-Diener

Một tác phẩm không chỉ mở ra góc nhìn mới về khái niệm hạnh phúc mà còn khám phá những lợi ích bất ngờ của những trạng thái tâm lý tiêu cực trong cuộc sống. Cuốn sách này không chỉ là một hành trình khám phá về bản thân mà còn là nguồn động viên, khích lệ độc giả nhìn nhận thách thức một cách tích cực và sáng tạo.

Hành trình đi tìm mặt tối của bản thân hẳn là không dễ dàng, nhưng một khi đã sẵn sàng nhìn nhận những góc sâu nhất bên trong và ôm ấp chúng, bạn sẽ thấy được một vẻ đẹp toàn diện. Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm và hạnh phúc, và chính những thời kỳ khó khăn đó có thể giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.


1. Sự vẹn toàn

Ai cũng có những nỗi đau, lòng đố kỵ, tự ti, kêu ngạo,… nói chung chúng là những cảm xúc tiêu cực và chúng xuất hiện trong cuộc đời mỗi người, rất nhiều là đằng khác. Những nỗi đau đó là những điều tồi tệ, nhưng thay vì né tránh những cảm xúc khó chịu ấy bằng cách tích tụ những cảm xúc vui sướng tức thời không phải là chiến lược hay nhất để sống vui khoẻ. Cuốn sách này mở ra một hướng tiếp cận được gọi là sự vẹn toàn.

Sự vẹn toàn về mặt tâm lý chính là phương pháp thay thế cho việc chỉ cố găng tìm kiếm lợi ích từ sự tích cực. Khả năng của sự vẹn toàn là kỹ năng đàm phán tuyệt vời đối với tất cả những điều mà cuộc sống mang lại. Họ sở hữu cái gọi là sự linh hoạt, bởi vì họ có thể giành được kết quả tốt nhất từ góc tươi sáng đến góc u tối với hoàn cảnh mà mình đang đối mặt.

Thay vì hạnh phúc đem lại lợi thế lớn nhất, thì lợi thế lớn nhất lại bắt nguồn từ việc cảm nhận toàn bộ hết khả năng, trải nghiệm sự vẹn toàn, chịu đựng được những niềm vui và nỗi buồn khi chúng xuất hiện.

2. Sự thoải mái đem lại sức đề kháng thấp

Người hiện đại như chúng ta đã quá quen với những điều tiện lợi, sự thoải mái trong cuộc sống, nhất là hoạt động mỗi ngày, chỉ cần có chút thời gian rãnh thì có ngay chiếc điện thoại trong tay để lướt mạng xã hội. Trong khi tổ tiên chúng ta có thể chịu được mưa nắng, bụi bặm thì chúng ta lại có xu hướng kém cỏi hơn, khi đâu đó quảng cáo xuất hiện vài giây hoặc năm phút tắc đường là chúng ta không thể chịu được trong khi tổ tiên ta bám lấy sự sinh tồn mỗi ngày. Điều gì khiến chúng ta mất đi sức đề kháng với sự khó chịu?

Trong thời kỳ hiện đại như hiện nay, không chỉ có sự thoải mái và tiện nghi với tỉ lệ chưa từng có, chúng còn liên quan đến nhịp sống nhanh hơn. Một nhịp sống nhanh hơn cũng liên quan đến tỷ lệ thành tựu và tiết kiệm tiền thấp hơn. Mọi thứ càng tiện nghi hơn thì người ta càng ít khả năng tự chủ trước rắc rối hơn. Nói cách khác, cuộc sống của bạn càng thoải mái lại càng có khả năng thiếu kiên nhẫn hơn với những vấn đề mình gặp phải.

Không những vậy, nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi sự yêu thích thoải mái thời hiện đại chính là trẻ em. Ngày nay, trẻ em là tâm điểm, và phụ huynh thì cư xử như một vệ sĩ riêng để đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc cho bé. Các phụ huynh đều lo lắng một cách qua mức đối với con em, họ có cảm giác một thế giới nguy hiểm. Đương nhiên những mối nguy hiểm có thật và ở xung quanh chúng ta, nhưng ta đã tiếp nhận một thế giới quan tập thể phóng đại những mối đe doạ rình rập này. Nếu cứ dạy dỗ bằng cách sát khuẩn quá mức thì các bé sẽ không thể chống chịu được trước cơn bão tố của tuổi vị thành niên và trưởng thành.

3. Tiêu cực là một tài nguyên chưa được trân quý

Đúng vậy, những cảm xúc tiêu cực có thể giúp bạn tập trung vào hoàn cảnh trước mắt. Chẳng hạn khi khoan một lỗ trên tường với máy khoan, khả năng cao là bạn để ý đến cái lỗ định khoang không kém gì cái tay mình. Sự lo lắng liên quan đến tiêu cực khiến bạn phải thực hiện chính xác những gì bạn đang làm.

Với mỗi trường hợp, những cảm xúc này đưa tín hiệu rằng có điều không ổn và cần sự chú ý khẩn cấp của bạn. Thật sự sẽ không ổn nếu bạn chèn ép cảm xúc tồi tệ hay cơn giận, hay bất cứ cảm giác nào khác, vì nó sẽ soi chiếu được lý do mà nó phát sinh. Tưởng tượng ta đang sống trong một thế giới mà không có ai thất vọng khi không đạt được mục tiêu đáng trân trọng mà xem. Hoặc một thế giới bạn không thể tiếp cận được nỗi sợ hãi kể cả khi bạn đang ở trong một đám cháy. Nếu không có những cảm giác được gọi là tiêu cực này, chúng ta sẽ trong một thế giới thiếu đi những con người có chức năng đầy đủ.

Những cảm xúc tiêu cực khác rất hữu ích theo những cách đáng ngạc nhiên. Chúng cho bạn thêm dũng khí, điều tiết hành vi, giữ đầu óc luôn cảnh giác với môi trường xung quanh, nạp thêm năng lượng sáng tạo, cùng nhiều lợi ích khác. Hãy từ bỏ quan niệm gắn nhãn cảm xúc là chỉ tích cực hay chỉ tiêu cực, thay vào đó bạn nên nhắm tới điều gì là lành mạnh và không lành mạnh trong môt tình huống.

4. Mặt trái của hạnh phúc

Hạnh phúc đúng là có lợi, nhưng nếu đặt cuộc sống xung quanh nó thì bạn không chắc sẽ nhận được hạnh phúc thực sự đâu. Việc cố gắng quá sức để tìm kiếm hạnh phúc đôi khi ảnh hưởng đến những đến những điều mang ý nghĩa mà bạn có được trong cuộc sống này.

Khi bạn hạnh phúc thường thì bạn có thể sẽ lờ đi những chi tiết, giảm đi sự cẩn thận, kết quả là ta sẽ cả tin hơn, kém thuyết phục hơn, lùi xa khỏi thành công hơn.

Đừng mưu cầu hạnh phúc, vì nó sẽ phản tác dụng, lý do là vì khi càng mưu cầu chúng, bạn sẽ có xu hướng đẩy kỳ vọng về mức độ quá cao, và khi bạn đạt được điều này, bạn sẽ đối mặt với sự thất vọng về nó.

Đôi khi sử dụng sự buồn bã, bất hạnh có thể giúp được bạn trong nhiều tình huống, chẳng hạn như đàm phán, nhờ sự giúp đỡ. Bạn chẳng thể thuyết phục người khác nếu bạn tỏ ra hạnh phúc, vui vẻ cả.

5. Tổng thể trọn vẹn

Một điều mà khá hay ở chương cuối cùng, tác giả nói đến cảm giác của bạn như thế nào giữa hai sự lựa chọn:

  • Bạn muốn cuộc đời mình đại diện cho điều gì đó ý nghĩa, hay
  • Bạn muốn cảm nhận được sự khoái lạc.

Và kết quả, người ta bị thu hút bởi quan niệm khoái lạc ngắn hạn và ý nghĩa thì lâu dài. Như thể “tôi quan tâm đến ý nghĩa, chỉ là không phải lúc này thôi”.

Hãy chấm dứt việc dằn vặt giữa hai điều này, hãy cứ làm đi, đầu tư vào mục tiêu ý nghĩa sâu sắc và tìm kiếm mục đích tối thượng của cuộc đời. Đồng thời hãy để khoái lạc tràn ngập trong cuộc sống hằng ngày; tận hưởng những niềm vui giác quan – miễn là nó đừng ảnh hưởng đến những giá trị sâu xa nhất của bạn.


Bạn sẽ không thể xua đuổi những phẩm chất tà ác, khó ưa trong tính cách mình. Việc đè nén các trải nghiệm sẽ gây phá hoại tâm lý vì nó tách rời ta ra khỏi sự trọn vẹn đời thực. Để tiến bước trên hành trình phát triển bản thân, tình yêu, ý nghĩa và mục đích sống, bạn cần phải nhận thức được tất cả các khía cạnh của mình, bao gồm cả những khuynh hướng u tối hơn và đủ linh hoạt để tích hợp chúng vào kho tàng hành vi của mình khi cần đến. Khi làm thế, bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn đã tiếp cận được hạnh phúc tốt hơn rất nhiều. Hãy tận dụng nó tối đa nhé. Hãy trở nên toàn vẹn.

Cuốn sách này còn mang nhiều đến những góc độ khác nữa: sự chánh niệm/vô niệm, sự thao túng, những bản chất có thể gọi là khó ưa nếu xét về mặt đạo đức chung,… Nhưng tôi không đề cập vì nó chưa đủ thuyết phục và khá khó hiểu, những khía cạnh này được thể hiện trong những cuốn sách khác mà tôi đã đọc, có thể nó sẽ được đề cập trong một bài viết khác.